Chiều 6/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm.
Bày tỏ băn khoăn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong đó có việc xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản gây nhiều luồng ý kiến khác nhau trong thời gian qua, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) đặt vấn đề, Hà Nội bơm nước hồ Tây vào sông Tô Lịch trong khi các chuyên gia của Nhật Bản đang thí điểm xử lý ô nhiễm đoạn sông này mà không thông báo trước khiến kết quả thí điểm bị hủy.
“ Dư luận hoài nghi đặt câu hỏi có đúng như vậy không? Vì sao?”, cử tri Trần Ngọc Toán nêu câu hỏi.
Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội để vào thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật.
Trong quá trình thử nghiệm, Hà Nội xuất hiện mưa lớn phải xả lũ cho nước Hồ Tây. “Tôi khẳng định, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thông báo đầy đủ cho Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản và trực tiếp ở đây là JVE”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ông đã mời đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản, Công ty JVE để nghe báo cáo kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Sau đó, ông đã kết luận và được các bên thống nhất cao. Ngày 5/11, Hà Nội đã ra thông báo kết luận của cuộc họp này.
Tuy nhiên, theo ông Chung, quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản, Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của TP.
“Cụ thể là việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuyếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm. Không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Vì vậy, tại thông báo kết luận của UBND TP Hà Nội đã lưu ý, phía Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản “không công bố kết quả cho công luận khi chưa được các cơ quan xem xét đánh giá kết quả thử nghiệm”.
“Thông báo này được công khai gửi cho các bộ ban ngành, chứ không phải thành phố lại để cho một cái công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bức xúc xã hội”, ông Chung nói với các cử tri.
Ông Chung cũng cho biết, đã đề nghị Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản chuẩn bị các hồ sơ chứng minh năng lực để gửi Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Trong đó, có hồ sơ tiêu chuẩn kỹ thuật của công nghệ xử lý nước, có bản thuyết trình, giấy chứng nhận về công nghệ được Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật hoặc các nước khác…
Sở Xây dựng được giao rà soát, giới thiệu một hồ nước đọng trên địa bàn TP để Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản xử lý mùi và làm sạch nước, bùn bằng công nghệ Nano Bioreactor. Quá trình đánh giá sẽ mời các đơn vị chuyên môn, độc lập có năng lực vào đánh giá …
“Theo tôi biết thì, công nghệ này ở Nhật Bản chưa có một dự án nào để xử lý. Bây giờ họ còn chưa cung cấp cho chúng tôi hồ sơ. Tôi nói rõ anh đưa tôi hồ sơ xem để anh chứng minh năng lực anh đã làm như nào, nhưng chưa thấy”, ông Chung nói.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng khẳng định “không có một công nghệ nào mà không thu gom nước thải mà lại bảo là xử lý được ô nhiễm nước sông Tô Lịch”.
“Trung bình mỗi ngày có 180 nghìn m3 nước thải xả ra sông Tô Lịch. Chả có công nghệ nào xử lý được cả nếu không thu gom nước thải để xử lý riêng…”, ông Chung nói.
Trước đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản có văn bản gửi truyền thông phản ứng gay gắt phát ngôn của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi ông Dục nói công nghệ Nhật thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch đã thất bại. Phía Nhật cũng tuyên bố sẵn sàng dầu tư 100% chi phí xử lý ô nhiễm sông này.
- Hợp tác trong lĩnh vực môi trường cùng khách sạn New World Sài Gòn (14.08.2018)
- CÔNG NGHỆ AAO TRONG XỬ LÝ NƯỚC THẢI SINH HOẠT (09.10.2019)
- SỬA CHỮA VẬN HÀNH HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI (04.11.2018)
- Báo cáo xả thải (23.09.2018)
- Công ty tư vấn môi trường (18.09.2018)
- Nguyên lý hoạt động của hệ thống xử lý nước thải với công nghệ MBBR (28.08.2018)
- Báo cáo giám sát môi trường định kỳ (14.08.2018)
- BỘ TN&MT: PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2020 (10.12.2019)